Dầu tràm Huế

Dầu tràm Huế – Huế được xem như một “thần dược” của vùng nông thôn cộng với cách luyện dầu công phu, bí truyền đã mang lại cho làng nghề nấu dầu tràm một sức sống kỳ lạ.

Dầu Tràm – Thần dược nơi thôn quê

Với người dân miền Trung nói chung và xứ Huế nói riêng, ai trong đời lại không một đôi lần mang ơn dầu tràm, nó được xem như một thứ “biệt dược” ở các vùng nông thôn còn lắm nắng gió này. Một đứa trẻ sinh ra, khi chướng bụng, nhiễm phong hàn…những người mẹ, người vợ xứ Huế nghĩ đến ngay lọ dầu tràm; phụ nữ sau khi sinh nở, dầu tràm cũng là dược liệu không thể thiếu. Dầu tràm được thoa đều lên gan bàn tay, bàn chân, lên bụng hay pha loãng với nước nóng rồi tắm cho trẻ đề phòng gió độc, trẻ thơ giấc ngủ cũng vừa tròn.

Với những người già của xứ Huế, đi đâu trong túi họ cũng có một lọ dầu tràm, khi thì dùng xoa bóp cho mình, khi thì để sẵn dùng cho con cháu trong nhà. Cái thứ “thần dược” thôn quê ấy đã gắn với đời sống của những người dân nghèo nông thôn, thấm vào trong máu thịt của họ và trở thành một ý thức truyền thống của người mẹ, người chị khi có con nhỏ sơ sinh. Sức sống của làng nghề nấu dầu tràm ở Phong Mỹ - Phong Xuân bền bỉ đến lạ thường khi biết bao loại tân dược, dầu ngoại bán nhan nhản trên thị trường, với người dân xứ Huế, dầu tràm Phong Điền vẫn là sự lựa chọn số một.





Để cất giữ được lâu, sau khi những mẻ dầu tràm được tinh luyện, lấy ra khỏi lò, người dùng mang bỏ vào chai, ngâm thêm ít củ ném (một loại cây thuộc giống hành, củ hình hơi tròn, màu trắng) rồi đậy kín làm tăng thêm dược tính cho dầu tràm. Điểm đặc biệt của dầu tràm Phong Điền là càng ngâm lâu hương vị càng nồng, dược tính càng cao, dầu không bị vơi cạn. Với người dân Phong Mỹ, Phong Xuân trong nhà bao giờ cũng có một lọ dầu tràm ngâm thêm ít củ ném, được tinh chế từ đôi bàn tay của những nghệ nhân tài hoa.

Bà Nguyễn Thị Tam (54 tuổi), thôn Quảng Phước, xã Phong Mỹ, một nghệ nhân tinh luyện dầu tràm cho hay: “Với người dân miền Bắc thì có chai cao hổ, người miền Nam thì chai dầu gió còn người miền trung mà đặc biệt là ở xứ Huế thì chai dầu tràm đã gắn với họ từ nhỏ cho đến lớn lên. Dù ai đi xa, khi về quê hương cũng nhớ đến dầu tràm Phong Điền, nó như một thứ “thần dược” thôn quê đã gắn vào đời mỗi con người khi lọt lòng”. Nghề nấu dầu tràm của gia đình bà Tam đến nay đã là đời thứ 3, dù có những lúc thăng trầm nhưng gia đình bà vẫn cố giữ lấy nghề của cha ông, như là một niềm tri ân của con cháu đối với lớp tiên hiền khi khai phá vùng đất bán sơn địa này.


Bí quyết luyện dầu Tràm
“Vương quốc” của dầu tràm Phong Điền nằm dọc theo Quốc lộ 13B qua địa bàn xã Phong Mỹ, Phong Xuân. Nơi đây vốn được xem là vùng đất trời phú cho rất nhiều cây tràm, cây bổi. Sự hào phóng của núi rừng tuy chưa làm nên sự giàu sang nhưng đã góp phần nuôi sống bao thế hệ người dân làng tràm khi hạt lúa không còn là niềm cứu cánh. Bây giờ, để tinh luyện ra một mẻ dầu tràm, hành trình đi bứt lá bổi, lá tràm cũng thật gian nan. Tâm sự về nghề, ông Trương Diệp, một nghệ nhân nấu dầu tràm ở xã Phong Mỹ nói: “Những năm đầu của thập kỷ 80-90 của TK XX, cây bổi, cây tràm còn nhiều vô kể. Người dân không cần đi đâu xa, chỉ quanh quẩn bên các trảng cát gần làng là đã có. Mà cũng lạ, cái đất vùng ni cứ bứt lứa này đến lứa khác, lá tràm lá bổi vẫn không hết được, vẫn mọc xum xuê. Vào thời đó chỉ riêng xã Phong Mỹ đã có gần một trăm hộ dân chuyên đi bứt lá tràm, lá bổi để về luyện dầu bán. Nay lá bổi, lá tràm không còn nhiều như trước, số hộ dân làm nghề này cũng giảm xuống nhưng bà con vẫn bám trụ với nghề, lấy công làm lãi”.





Gia đình ông Diệp là một trong những hộ còn giữ được nghề nấu dầu tràm gia truyền. Hằng ngày, vợ chồng ông phải lên những trảng cát dưới chân núi Bạch Mã hay đi xa hơn xuôi về phía cảng Chân Mây để kiếm lá tràm, lá bổi. Cứ bứt ngày này qua ngày khác, lúc nào đủ cho một mẻ dầu mới ngưng nghỉ. Nói về cách luyện dầu tràm, ông Diệp cho biết: “Cách thức luyện dầu tràm cũng tựa như nấu rượu. Cứ 4 bao lá bổi, 2 bao lá tràm (khoảng 1,5 tạ) được đổ nước ngập 1/3 nồi nấu, sau khi đun lửa cháy đều 5-6 giờ đồng hồ sẽ cho ra 1 lít dầu tràm. Dầu cùng nước được đun sôi, bốc hơi chảy xuống ống dẫn, tràn qua một hệ thống can nhựa, dầu nhẹ sẽ nổi lên trên được cho vào chai”. Theo ông Diệp, không phải ai cũng có thể nấu được một mẻ dầu tràm thơm, đượm nồng, dược tính cao. Bởi nghề này đã được truyền qua bao thế hệ, những kinh nghiệm gia truyền được đúc rút là bài học cho những mồ hôi, nước mắt của người dân làng tràm. Người nấu dầu tràm thơm phải là những người thợ “mát tay”, nắm rõ những bí quyết về cách chọn nguyên liệu, mực nước khi đổ, nhiệt độ của lửa…


    “Làng nghề luyện dầu tràm đỏ lửa trở lại là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi cần vùng nguyên liệu bền vững và đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm có sức cạnh tranh đối với những loại dầu tràm dỏm, dầu nhái trôi nổi trên thị trường, có như thế mới vực dậy làng nghề truyền thống này được”, ông Nguyễn Văn Hào, một nghệ nhân luyện dầu tràm cho biết.

Trải qua thăng trầm, biết bao mái đầu xanh giờ đã bạc, cư dân làng tràm vẫn giữ lấy nghề của cha ông. Tính đến hiện nay, cả Phong Mỹ, Phong Xuân còn chừng 60 hộ bám trụ với nghề luyện dầu tràm. Dọc Quốc lộ 1A, những lò luyện dầu tràm từ sáng sớm đã bắt đầu “nổi lửa”. Theo đó hình thành nên một đôi ngũ với hàng trăm người dân chuyên đi bứt lá tràm, bổi về bán lại cho các chủ lò. Mỗi ngày mỗi lao động cũng kiếm được từ 30-40 nghìn đồng, tuy không mang lại thu nhập cao nhưng nó cũng chia sẻ phần nào gánh nặng cho hạt lúa. Hộ anh Nguyễn Văn Hào, thôn Đông Thái, xã Phong Mỹ đã có gần 50 năm làm nghề chưng cất dầu tràm. Theo anh Hào, vào thời cao điểm, gia đình anh có đến 3 lò luyện dầu tràm đỏ lửa suốt ngày, tiêu thụ cỡ 4- 5 tạ lá mỗi ngày. Hiện nay, cứ mỗi lít dầu nguyên chất bán với giá 300 nghìn đồng. “Mình làm chỉ lấy công làm lãi, bán cho những mối quen để mong giữ được nghề thôi. Tuy dầu tràm không còn được ưa chuộng như trước nữa nhưng thương hiệu của những mẻ dầu nguyên chất ở Phong Điền vẫn còn mãi với thời gian.”- anh Hào tâm sự.


Xây dựng thương hiệu

Để tìm “đất” sống mới cho dầu tràm Phong Điền trước những loại tân dược, dầu tràm dỏm trôi nổi trên thị trường, những năm gần đây, nhiều chủ lò luyện dầu tràm đã biết tìm đến các doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nhằm tạo lòng tin cho người sử dụng. Lò luyện dầu của ông Trương Diệp luôn đỏ lửa hết công suất ngày đêm để làm kịp các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Ông Diệp khẳng định: “Hiện nay, dầu tràm dỏm có nguồn gốc từ Quảng Trị và các tỉnh khác bán trôi nổi trên thị trường, gây nguy hiểm cho người sử dụng nhưng giá thành lại rất rẻ, chỉ 7-8 nghìn đồng/chai. Trong khi đó, dầu tràm nguyên chất Phong Điền mới ra lò có giá 60.000 đồng/chai 30ml. Nếu không chú trọng đến chất lượng, bảo đảm thương hiệu và kết hợp với các doanh nghiệp thì dầu tràm Phong Điền khó có sức cạnh tranh nổi”. Hiện tại, ông Diệp đã nhận những đơn đặt hàng đầu tiên của Cty TNHH SX và TM Thủy Sang đóng tại Đà Nẵng.



Bên cạnh đó, các chủ lò khác trên địa bàn huyện Phong Điền cũng đang rục rịch tìm hướng đi mới cho sản phẩm dầu tràm của mình như bán dầu tràm kèm các sản phẩm khác…. Trên con đường thiên lý Bắc- Nam, những du khách trong và ngoài nước, tài xế xe, tiểu thương…vẫn không quên ghé lại dưới chân đèo mua cho mình một chai dầu tràm thứ thiệt. Từ đó, dầu tràm Phong Điền cũng có cơ hội vươn xa theo những chuyến xe đến với mọi miền đất nước…


Những ngày mưa lạnh xứ Huế, vào “vương quốc” Dầu tràm Huế nguyên chất Phong Điền đang dậy hương, chợt nghe sự hào phóng của núi rừng đã cho người dân nơi đây một làng nghề với sức sống bền bỉ. Dầu tràm như một thứ “dị hương” đưa ta về miền ký ức sâu thẳm của tuổi thơ, của ngày bên vòng tay mẹ…

2 nhận xét:

  1. Vote cho sản phẩm dầu tràm Huế truyền thống của đất cố đô.

    Trả lờiXóa
  2. Dầu tràm có rất nhiều tác dụng hữu ích. Tác dụng nổi bật của dầu tràm dùng để trị khó tiêu, đầy hơi, chống cảm lạnh, tránh gió và tránh ho, kháng khuẩn, chống và là cách trị muỗi đốt cho bé hiệu quả, xua đuổi kiến… dầu tràm sử dụng rất tốt trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và tất nhiên người lớn sử dụng cũng rất tốt.

    Trả lờiXóa